
Kiểm tra công tác phổ cập giáo dục tại Quảng Nam
Những năm gần đây, tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng ở các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam đã trở thành câu chuyện dài chưa có hồi kết.
Tuy các ban, ngành của tỉnh triển khai nhiều biện pháp nhưng vấn đề duy trì đủ số học sinh đến lớp, nhất là vận động các em trở lại trường còn gặp nhiều trở ngại.
Tình hình học sinh ở Quảng Nam bỏ học nhiều, chủ yếu xảy ra vào đầu năm học và thời điểm sau Tết Nguyên đán hằng năm. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, từ đầu năm học 2012-2013 đến nay, toàn tỉnh có gần 1.500 học sinh bỏ học giữa chừng, trong đó chủ yếu là học sinh cấp THPT (1.080 em, chiếm tỷ lệ 1,63% tổng số học sinh) rồi đến cấp THCS (409 em). Một số trường THPT có học sinh bỏ học nhiều là Nam Trà My, Tây Giang, Bắc Trà My và Lương Thế Vinh...
Theo phân tích của Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) Quảng Nam Nguyễn Tấn Thắng thì số lượng học sinh bỏ học thời gian qua phần lớn là ở cấp THPT và chủ yếu là học sinh lớp 10. Nguyên nhân chủ yếu là do địa bàn các huyện miền núi quá rộng, phức tạp, công tác vận động học sinh đến lớp của nhà trường gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, công tác quản lý của các trường còn nhiều hạn chế. Một số trường chưa nắm bắt cụ thể hoàn cảnh gia đình và trình độ của từng học sinh; không phân loại kịp thời trình độ học lực của học sinh đầu cấp; kế hoạch dạy học, phụ đạo, bồi dưỡng giúp đỡ học sinh yếu, kém chưa sát thực tế. Chương trình giảng dạy chưa phù hợp với các đối tượng là học sinh ở các vùng, miền khác nhau.
Một nguyên nhân nữa dẫn đến tình trạng nhiều học sinh bỏ học là do các em chưa xác định được động cơ học tập rõ ràng, bị hổng kiến thức từ cấp học dưới và bị "ngồi nhầm lớp" từ nhiều năm liền, nhưng không được sàng lọc do được xét tuyển thẳng 100% vào các lớp đầu cấp hoặc do yêu cầu phổ cập giáo dục. Chính điều đó, đã khiến nhiều em không tiếp thu được kiến thức mới, kết quả học tập kém, không theo kịp chương trình, lớp học. Các bậc phụ huynh, nhất là các huyện miền núi, phó mặc toàn bộ công tác giáo dục con em mình cho nhà trường, nên dễ dẫn tới việc bị bạn bè rủ rê bỏ học. Trong những học sinh bỏ học, cũng có một số em do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, phải nghỉ học để tham gia lao động phụ giúp gia đình... Trong khi đó, các ban, ngành, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức và chưa có biện pháp cụ thể trong việc vận động học sinh trở lại trường.
Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã đề ra và thực hiện nhiều giải pháp để duy trì sĩ số, vận động các em trở lại trường và đã có nhiều nơi thực hiện có hiệu quả. Như Trường THPT Bắc Trà My, đến thời điểm này, toàn trường có 1.294 em đang theo học, so với đầu năm học giảm 65 em. Nhưng so với năm trước, tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng cải thiện rõ rệt. Theo thầy giáo Nguyễn Thanh Tú, Hiệu trưởng nhà trường, có được kết quả đó là nhờ nhà trường làm tốt việc tham mưu, giúp cho lãnh đạo huyện chỉ đạo các xã, thị trấn kịp thời vận động học sinh có nguy cơ bỏ học và học sinh bỏ học đi học lại. Trường cũng đề nghị huyện hỗ trợ lương thực, kinh phí cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; đồng thời giao cho Ðoàn Thanh niên vận động giáo viên trẻ tích cực tham gia phụ đạo cho học sinh yếu kém, nhất là học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số.
Hay như tại huyện miền núi Tây Giang, số học sinh bỏ học ở các cấp cũng giảm hẳn. Hiệu trưởng Trường THPT Tây Giang Ðinh Văn Tư cho biết: Rút kinh nghiệm các năm trước, năm học này, Ban Giám hiệu nhà trường luôn nhắc nhở giáo viên chủ nhiệm lớp phải gặp gỡ, tìm hiểu hoàn cảnh từng học sinh, động viên các em cố gắng vượt qua khó khăn và tổ chức phụ đạo cho các em có học lực yếu, kém. Thông báo kịp thời với địa phương và gia đình những trường hợp có nguy cơ bỏ học để vận động các em ra lớp. Ngoài việc hỗ trợ kịp thời các chế độ theo quy định của Nhà nước, huyện Tây Giang còn đầu tư kinh phí xây dựng khu nội trú (đủ chỗ ăn, ở cho 70% học sinh toàn trường), thuê người nấu cơm và cấp đủ gạo ăn cho các em nội trú, địa phương còn hỗ trợ mỗi học sinh của trường từ 50 đến 70 nghìn đồng/tháng để giúp các em an tâm học tập.
Tuy có được những kết quả bước đầu như vậy, nhưng nhìn chung, số học sinh bỏ học trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều. Ðể khắc phục tình trạng này, tỉnh Quảng Nam tập trung triển khai nhiều giải pháp và kêu gọi sự vào cuộc mạnh mẽ từ các cấp, các ngành, nhất là đội ngũ giáo viên và phụ huynh. Sở GD và ÐT yêu cầu các đơn vị giáo dục và các địa phương tiến hành rà soát lại số lượng học sinh bỏ học trên cơ sở đó có giải pháp huy động các em trở lại trường; đồng thời huy động nguồn lực từ các tổ chức xã hội, cá nhân trong và ngoài nhà trường, các đơn vị kết nghĩa để giúp các em có điều kiện tiếp tục học tập. Ngành GD và ÐT cũng yêu cầu ban giám hiệu các trường cần thực hiện nghiêm việc đánh giá, xếp loại học sinh theo đúng quy chế, không để học sinh "ngồi nhầm lớp"; tăng cường dạy phụ đạo cho học sinh có học lực yếu kém và duy trì các lớp tự học ban đêm cho học sinh nội trú; không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý, lứa tuổi, nhất là học sinh người dân tộc thiểu số. Mặt khác, nêu cao tinh thần trách nhiệm của các giáo viên chủ nhiệm trong việc bám sát lớp, nắm bắt kịp thời diễn biến về tâm tư tình cảm đối với những học sinh có nguy cơ bỏ học cao.
Ðáng chú ý, cần phát huy vai trò của UBND các cấp trong công tác tuyên truyền, vận động, quản lý sĩ số học sinh. Phát huy vai trò của những người có uy tín trong cộng đồng như già làng, trưởng bản bàn và thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng học sinh bỏ học và có kế hoạch hỗ trợ gạo cho học sinh nội trú. Và một điều nữa cần lưu ý, đó là tỉnh nên xem xét lại cơ chế tuyển thẳng 100% học sinh miền núi vào lớp 10, mạnh dạn thực hiện việc xét tuyển (hoặc thi tuyển) nhằm phân luồng học sinh ngay từ cuối cấp THCS, tránh tình trạng các em dễ dàng được vào lớp 10 rồi tự do bỏ học giữa chừng.
TẤN NGUYÊN (www.nhandan.com.vn)